CẢM NHẬN VIỆC PHÁT ĐỒ ĂN ĐÊM
-Nguyễn Thị Huyền Trang –
10h30 tối ngày… tháng… năm…
Như thường lệ, tôi cùng các thành viên trong Quỹ Chia Sẻ rong ruổi trên những chiếc xe máy và đi làm công việc mà chúng tôi vẫn thường làm. Dù vẫn đi trên những nẻo đường quen thuộc nhưng hôm nay tôi thấy nó đặc biệt hơn. Đặc biệt bởi lẽ, những con đường mà tôi hay đi luôn đông đúc. Nó dẫn tôi đến với những nơi đầy ánh sáng và hào nhoáng của một Thủ đô hoa lệ. Nhưng giờ đây, cũng vẫn là những con đường này, nhưng nó dẫn tôi đến với một thế giới khác- Đó là những góc tối của cuộc sống nơi đô thị.
Dưới cái tiết trời đêm HN lạnh cắt da cắt thịt, bên cạnh những con phố sáng đèn, những cửa hành, cửa hiệu sang trọng thì vẫn còn đó những người vô gia cư. Ban ngày, họ đi lang thang đây đó, hoặc làm những công việc như quét rác, nhặt đồ phế thải để kiếm miếng cơm hoặc đi ăn xin sống lay lắt qua ngày. Ban đêm, họ không chỗ nương thân. Một mình chống chọi với cái rét, cái đói, thậm chí là cả bệnh tật. Ở những lứa tuổi về già như họ, đáng lẽ ra họ phải được quay quần đầm ấm bên gia đình bên con cháu. Vậy mà, cuộc sống đã đưa đẩy họ đến đâu? Đến với góc tối tăm của con đường, không đồ ăn, không một tấm chăn để đắp. Thật là thương cảm!
Chúng tôi vẫn thầm lặng với công việc đưa đồ ăn cho những mảnh đời bất hạnh, nhưng chúng tôi luôn làm nó bằng sự nhiệt tình và bằng tấm lòng bao dung hơn bao giờ hết. Chúng tôi luôn mong muốn làm được nhiều việc có ích hơn nữa cho họ, không chỉ đơn giản là những đồ ăn, những viên thuốc mà nhiều hơn nữa là một mái nhà và một tình người bao la.
DANH SÁCH NGƯỜI VÔ GIA CƯ ĐƯỢC GIÚP ĐỠ
TẠI ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
- Học và tên: Chú Trung (44 tuổi)
Quê quán: Thái Nguyên
Gia đình: Không có người thân
Địa chỉ tạm trú: Số 89 Lê Duẩn, Hà Nội.
2. Họ và tên: Bà Thìn (80 tuổi)
Quê quán: Hà Nam
Gia đình: Cụ có người thân nhưng gia đình khó khăn nên cụ lên HN đi xin
Địa chỉ tạm trú: Ga Hà Nội
3. Họ và tên: Cô Nguyễn Thị Hương (50 tuổi)
Quê quán: Lào Cai
Gia đình: 1 mẹ già và 3 con nhỏ.
Địa chỉ tạm trú: Tòa nhà IBC, 37 Tràng Thi, Hà Nội.
Nghề nghiệp: Đồng nát, xin ăn
Hoàn cảnh: Cô Hương quê ở Lào Cai. Vợ chồng cô chia tay nhau nên cô phải nuôi con một mình. Gia đình cô khó khăn nên cô phải lang thang ngoài Hà Nội làm thêm kiếm tiền, cô gửi con cho mẹ già nuôi. Công việc chính của cô là đi nhặt ve chai để bán lấy tiền gửi về cho mẹ. Cô tâm sự với chúng tôi rằng đã 2 năm nay cô không được về thăm gia đình nhưng nếu không kiếm đủ tiền gửi về thì cô không về quê được. Hàng ngày, cô đi làm từ sáng sớm đến tối muộn mới về. Hôm nào thu lượm được nhiều đồ thì cô có cái ăn, còn không thì cô xin đồ ăn thừa hay gói mì tôm từ người dân xung quanh để chống đói. Nếu xin được thì ăn còn không cô nhịn đói. Cô còn chia sẻ rằng cô bị bệnh đau dạ dày, nếu đói thì bụng quặn lại rất đau và dạo gần đây thì ngày càng dữ dội. Cô bị từ khi cô 9 tuổi. Ngày hôm nay khi được gặp mọi người trong quỹ, cô rất vui và rất mong nhận được sự giúp đỡ của mọi người. Cô cũng hi vọng nếu có thể, quỹ hãy giúp cô có 1 tấm chăn vì nằm ngoài vỉa hè lạnh quá. Nếu với tình hình sức khỏe như thế này chắc cô sẽ không đi làm nổi và cuộc sống của gia đình sẽ ngày càng khó khăn.
4. Họ và tên: Bà Thanh ( 68 tuổi)
Quê quán: Xã Duy Nhất, huyện vũ Thư, tỉnh Thái Bình
Gia đình: Anh hi sinh trong chiến tranh, chị gái bà sinh sống trong nam và không có chồng con.
Địa chỉ tạm trú: Tòa nhà IBC, 37 Tràng Thi, Hà Nội.
Nghề nghiệp: Rửa bát thuê
Hoàn cảnh: Bà Thanh sinh ra ở Thái Bình. Khi còn trẻ bà đi Thanh niên xung phong. Sau khi trở về, bà lên Hà Nội làm việc. Đến vài năm gần đây, khi có tuổi bà bắt đầu đi rửa bát thuê. Hàng ngày, công việc của bà bắt đầu từ 4h sáng đến 9h tối. Bà làm việc ở gần cổng bệnh viện Việt Đức.
5. Họ và tên: Ông Ánh (70 tuổi)
Quê quán: Đường Lý Bôn, Thái Bình.
Sinh sống tại thành phố Bắc Ninh.
Gia đình: Có anh trai, vợ ông đã mất, ông có 2 con đang làm giáo viên ( 1 người làm giáo viên tại Cầu Giấy, 1 người đang giảng dạy tại trường Cao đẳng Bắc Ninh).
Địa chỉ tạm trú: Tòa nhà IBC, 37 Tràng Thi, Hà Nội.
Hoàn cảnh: Ông Ánh tâm sự với chúng tôi rất nhiều. Trước đây ông là bộ đội kháng chiến chống Mỹ, đóng quân tại Huế. Ông đi kháng chiến bao nhiêu năm bặt vô âm tín, bố mẹ tưởng ông đã hi sinh nên để lại nhà cho anh trai. Sau đó ông cưới vợ và sinh sống tại Bắc Ninh. Trước đây ông cũng thường xuyên về Thái Bình nhưng từ khi bố mẹ mất nên ông ít về hơn. Khi tôi hỏi sao ông không về sinh sống cùng con cái thì ông bảo:” Tụi nó còn phải nuôi con chứ, mình cũng yếu nhưng chẳng muốn phụ thuộc vào đứa nào nên cứ lang thang thế này thôi. Từ khi vợ mất, quan hệ với gia đình nhà vợ có vấn đề nên chẳng liên lạc nữa. Bố mẹ ở quê cũng mất lâu rồi nên cũng chẳng về”. Tôi thấy ông ho liên tục rồi liền hỏi tiếp: “ Ông nằm thế này đủ ấm chứ ông, cháu thấy ông bị cảm từ tuần trước mà mãi chưa khỏi. Ông phải giữ gìn sức khỏe nhé” thì ông liền cười bảo : “Đủ ấm chứ, nhưng già rồi sao tránh khỏi bệnh tật được” Nói chuyện với ông xong mà cảm giác thấy thật thân thiết và thương ông hơn, có gia đình, con cái khá giả mà không thể về. Chắc ông có nỗi niềm của riêng mình. Chỉ mong ông mãi giữ được sức khỏe để chúng tôi có thể quay lại gặp và giúp ông nhiều lần hơn nữa.
6. Quê quán: Thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, Hưng Yên
Nghề nghiệp: Công nhân dọn vệ sinh tại Thư viện quốc gia Hà Nội.
Gia đình: Có gia đình, con cái nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Địa chỉ tạm trú: Tòa nhà IBC, 37 Tràng Thi, Hà Nội.
Hoàn cảnh: Mải nói chuyện với bác mà tôi quên mất không hỏi tên bác. Bác chia sẻ với chúng tôi rằng bác có gia đình, moi người hiện vẫn đang sống tại Như Quỳnh. Bác bị viêm khớp nhưng gia đình khó khăn nên thường nhận thuốc nhân đạo tại bệnh viện Việt Đức. Bác ra Hà Nội nhập viện nhưng vì không có tiền nên phải nằm ở vỉa hè để hàng ngày đi sớm xếp hàng chờ nhận thuốc. Khi chúng tôi hỏi sao bác không về nhà nghỉ ngơi rồi lên hôm nào đỡ lại lên nhận, cứ nằm thế này bệnh lại càng nặng thì sao thì bác bảo nếu vắng mặt 1 ngày thì người ta cắt thuốc luôn. Tôi không biết về chế độ nhận thuốc nhân đạo như nào nhưng thế này thì quá khó khăn cho những người dân nghèo. Bác cũng tâm sự rằng hiện bác còn làm thêm công việc dọn vệ sinh tại Thư viện quốc gia Hà Nội để kiếm thêm tiền gửi về cho con ăn học. Bác chia sẻ với chúng tôi bằng cái giọng run run. Không biết vì lạnh hay vì xúc động nữa. Chỉ mong rằng ngày càng có nhiều nhà hảo tâm biết đến và giúp đỡ để cuộc sống của mỗi người dân bớt khó khăn.
7. Họ và tên: Cụ không nhớ tên
Địa điểm tạm trú: Chợ hoa Quảng bá
Nghề nghiệp: Bán hàng rong
Hoàn cảnh: Nửa đêm ngày 5/1/2015, trong cái rét se se lạnh, chúng tôi thấy bà đang ngồi bên vỉa hè. Dừng xe lại hỏi chuyện thì bà trả lời rẳng bà đã không còn nhớ nổi tên tuổi, quê quán của mình nữa. Hàng ngày bà lang thang khắp các con phố đi bán hàng rong thuê cho người ta. Cuối ngày người ta trả được bao nhiêu thì trả. Giờ bà đang ngồi đây chờ người ra đón về. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nhưng làm chúng tôi không ngăn nổi sự xúc động. Chỉ mong các cơ quan chính quyền biết và có chính sách giúp đỡ cho những người như cụ để cụ bớt vất vả, tối đến được nghỉ ngơi và không phải là những công việc không dành cho người già nữa.
8. Họ và tên: Bác Cường (56 tuổi)
Quê quán: Hà Nam
Gia đình: Vợ, 2 con trai.
Nghề nghiệp: Làm thuê, trông hàng, xếp hàng ngoài chợ Long Biên.
Địa điểm tạm trú: Nhà vệ sinh Long Biên
Hoàn cảnh: Giúp đỡ vài lần nhưng hôm nay chúng tôi mới có cơ hội nói chuyện nhiều hơn với bác Cường thì tôi nhận ra bác là người rất vui tính. Bác chia sẻ với chúng tôi rằng bác có gia đình, nhưng vợ chồng không hợp nhau nên bác lên Hà Nội làm thuê. Công việc thường ngày của bác là trông và xếp hàng ngoài chợ đầu mối. Bác có 2 con trai thì đều đã trưởng thành và hiện đang theo học nghề mộc ở quê và sống cùng mẹ. Chỉ có những dịp lễ tết bác mới về quê cùng gia đình còn phần lớn thời gian bac ở trên này đi làm thuê cùng cậu cháu trai. Có một điểm rất thú vị ở bác Cường đó là bác rất thích nói chuyện về các con số, toán học, về thời gian hay chuỗi thời gian. Bác cũng chia sẻ rằng : “Đây là một vấn đề rất vĩ mô nên không phải ai cũng hiểu được. Chính vì có sự bất đồng quan điểm trong vấn đề này nên bác và vợ hay có xích mích nên bác đã chuyển lên Hà Nội sinh sống”. Cuộc nói chuyện tuy không dài nhưng cũng đủ cho tôi hiểu được niềm đam mê sâu sắc của bác với các con số. Dù nó có trừu tượng, có khó hiểu nhưng ít ra người ta cũng có đam mê, có niềm háo hức khi nhắc đến nó. Tôi chúc bác luôn giữ gìn sức khỏe để sống mãi với những đam mê của mình.
9. Họ và tên : Bác Bình ( 66 tuổi)
Quê quán: Nam Định
Quê gốc: Thanh Hóa
Nghề nghiệp: Nhặt phế liệu
Gia đình: Có vợ con
Địa điểm tạm trú: Số 4 Lý Thái Tổ
Hoàn cảnh: Chúng tôi gặp bác Bình cũng đã quá nửa đêm. Bác chia sẻ với chúng tôi rằng trước gia đình bác làm hàng ăn, gia đình cũng khá giả nhưng do vợ bác mải mê cờ bạc, lô đề nên khi thua bác bị siết nợ phải trốn chạy lên Hà Nội. Trước đây khi chưa chia tay, vì vợ suốt ngày không lo làm ăn mà chỉ thích trò chơi đen đỏ nên vợ chồng hay cãi vã. Chuyện to tiếng xảy ra như cơm bữa. Đến lúc mất nhà thì cũng quá muộn. Mỗi người một nơi tránh chủ nợ rồi bác lưu lạc lên Hà Nội. Con bác giờ ở cùng vợ không biết giờ ở đâu. Giờ bác lang thang Hà Nội đi nhặt phế liệu, kiếm từng đồng để mong trang trải được cuộc sống của bản thân mình.
10. Họ và tên: Bà Nga (70 tuổi)
Quê quán: Hà tĩnh
Nghề nghiệp: Bán trà đá, bim bim, nước ngọt.
Địa điểm tạm trú: Đối diện số 328 Bà Triệu.
Gia đình: có 3 người em, có con.
Hoàn cảnh: Bà Nga là thanh niên xung phong tại ngã 3 Đồng Lộc. Năm 1966, bà được cử sang Thượng Hải học về cơ khí. Đến năm 1968 bà lại trở về và ở tại Hà Nội cho đến nay. Bà chia sẻ với chúng tôi rằng hàng tháng bà được nhận 360 nghìn đồng tiền trợ cấp dành cho thanh niên xung phong. Trước đây bà cũng từng nhận được 2170 nghìn tiền trợ cấp dành cho thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn của phường Thanh Nhàn. Tiền trợ cấp của phường chỉ cấp 1 lần duy nhất dành cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bà cũng tâm sự rằng bà cũng có gia đình nhưng gia đình không hạnh phúc. Chồng bà đã bỏ bà và con được 41 năm nay rồi. Chồng bà người Quảng Bình. Năm 1074, ông đi lấy vợ khác khi con mới chỉ 4 tuổi. Bà cũng có 3 người em, trong đó 2 người đang dạy ở quê và một người dạy ở ĐH Hàng Hải.
11. Họ và tên: Bác Hùng (50 tuổi)
Quê quán: Thanh Hóa
Địa chỉ tạm trú: 88 hàng Chiếu
Và 1 số người khác đang tạm trú tại Ga Hà Nội. Do thời tiết khá khắc nghiệt và cũng quá muộn nên chúng tôi không đánh thức mọi người nữa.
- Quỹ Chia Sẻ giúp đỡ em Phước ở Hà Tĩnh tháng 7,8/2024 September 1, 2024
- Quỹ Chia Sẻ giúp đỡ em Đình Huyền ở Hà Tĩnh tháng 7,8/2024 August 23, 2024
- Quỹ Chia Sẻ giúp đỡ em Giai và Thảo ở Hà Tĩnh tháng 7,8/2024 August 5, 2024
- Quỹ Chia Sẻ giúp đỡ em Hồng và Ánh ở Nghệ An tháng 7,8/2024 August 5, 2024
- Quỹ Chia Sẻ giúp đỡ em Dương ở Hà Tĩnh tháng 7,8/2024 July 14, 2024
- Quỹ Chia Sẻ giúp gia đình em Hà Vy ở Hà Tĩnh tháng 5,6/2024 July 1, 2024
- Quỹ Chia Sẻ giúp em Thảo và Giai ở Hà Tĩnh tháng 5,6/2024 July 1, 2024
- Quỹ Chia Sẻ giúp đỡ em Liên ở Cao Bằng tháng 5,6/2024 June 13, 2024
- Giúp đỡ em Đạt ở Hà Tĩnh tháng 5,6/2024 May 31, 2024
- Quỹ Chia Sẻ giúp đỡ em Triết ở Hà Tĩnh tháng 5,6/2024 May 22, 2024